Khối lượng giao thương đã gia tăng theo cấp số nhân trong các thập niên gần đây, và toàn cầu hóa cũng mang đến lợi nhuận cao hơn cho các nhà sản xuất châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt hơn nhiều về đơn hàng kinh doanh mới và dẫn đến áp lực lớn hơn cho Bên bán nhằm đáp ứng nhu cầu của Bên mua.
Áp lực này thường xuất hiện dưới hình thức yêu cầu các điều khoản thanh toán thuận lợi, linh hoạt hơn, từ đó dẫn đến sự chuyển dịch dần từ những công cụ truyền thống như Thư tín dụng (L/C), Thanh toán để nhận chứng từ (DP) và Chấp nhận thanh toán khi có chứng từ (DA) sang phương Thanh toán ghi sổ (OA), theo đó hàng hóa thường được giao hàng tuần hoặc hàng tháng trước khi đến hạn thanh toán.
Rủi ro thương mại quốc tế ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất SME châu Á
Tuy các điều khoản OA gia tăng khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất và giúp họ nhận thêm nhiều đơn hàng hơn trên thị trường quốc tế, nhưng đây không thể là giải pháp hoàn hảo cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
L/C mang đến sự an toàn cao hơn cho các nhà sản xuất, nhưng cũng phức tạp và tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, chính sách cấp L/C của các ngân hàng lớn thường khắt khe hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và các nhà sản xuất châu Á. Kết quả là OA đã trở thành lựa chọn ký kết được sử dụng ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, OA lại làm gia tăng đáng kể rủi ro không được thanh toán của nhà sản xuất, vì hàng hóa được giao rất lâu trước khi đến hạn thanh toán – có thể đến 30, 60, 90 hay tận 120 ngày sau, tùy thuộc các điều khoản thanh toán mà nhà sản xuất đã thương lượng. Điều này đồng nghĩa nhà sản xuất đang cung cấp tín dụng cho từng khách hàng với số tiền lớn trong một khoảng thời gian dài.
Rất nhiều vấn đề có thể phát sinh ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và tình trạng tài chính của khách hàng giữa khâu đặt hàng và giao sản phẩm. Những yếu tố dàn trải này – bao gồm các quy định mới, thuế nhập khẩu tăng và bất ổn chính trị – có thể tạo phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của khách hàng, và nhà sản xuất không thể dễ dàng lường trước hay kiểm soát bất kỳ mối đe dọa nào trong số này.
Dù cho đã giao dịch thường xuyên với một khách hàng trong nhiều năm, nhà sản xuất cũng không có được sự đảm bảo rõ ràng vì không thể dự đoán khả năng vỡ nợ. Trên thực tế, theo một hãng cung cấp bảo hiểm chuyên nghiệp, có đến 50% vấn đề thương mại phát sinh giữa các khách hàng và nhà sản xuất thường xuyên làm ăn với nhau và biết rất rõ tổ chức của nhau.
Vì chỉ một đơn hàng cũng có thể chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của công ty, nên nhà sản xuất phải liên tục đối mặt với khả năng tổn thất tài chính cao. Và trong trường hợp mất một khoản thanh toán, nỗi lo sợ kinh doanh thất bại sẽ hiển hiện nếu công ty không có sẵn một kế hoạch dự phòng được cơ cấu tốt.
Kế hoạch hành động để giải quyết rủi ro tín dụng OA
Tuy rủi ro trong giao dịch thương mại luôn hiện hữu đối với các nhà sản xuất SME, nhưng họ có thể thực hiện một số bước hợp lý để hạn chế những rủi ro này.
Bảo hiểm Tín dụng Thương mại là giải pháp bảo vệ rủi ro không thể thiếu cho công ty trong trường hợp khách hàng phá sản, mất khả năng thanh toán hay đơn giản là không thể thanh toán hóa đơn trong bất kỳ trường hợp không lường trước nào.
Việc đăng ký với một đối tác bảo hiểm thương mại chuyên nghiệp như Atradius, Coface, Euler Hermes hay Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng Xuất khẩu Hồng Kông (HKECIC) cũng đem lại nhiều lợi ích khác:
- Các công ty Bảo hiểm Tín dụng Thương mại sẽ theo dõi doanh thu kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty mà họ bảo hiểm. Do vậy, nhà sản xuất có thể nhận được thông tin cập nhật đáng tin cậy về uy tín tín dụng của khách hàng – từ đó tăng đáng kể khả năng tránh được sai sót khi thỏa thuận một đơn hàng lớn với khách hàng hiện đang gặp khó khăn về dòng tiền.
- Khi cần theo dõi các khoản thanh toán hóa đơn trễ, nhà sản xuất SME có thể trông cậy vào sức mạnh của công ty bảo hiểm để hỗ trợ yêu cầu giải quyết. Việc thông báo chuyển yêu cầu bồi thường sang công ty bảo hiểm cũng sẽ tạo áp lực hơn cho các khách hàng quá hạn thanh toán vì điều này sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của họ cũng như vướng phải các tranh chấp pháp lý khác.
Hơn thế nữa, Bảo hiểm Tín dụng Thương mại còn đóng vai trò là nguồn tham chiếu về uy tín tín dụng và nền tảng tài chính vững chắc của một doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các yêu cầu Tài trợ hóa đơn có thể cần thiết để tài trợ vốn cho đơn hàng mới. Công việc quản lý được đơn giản hóa vì chỉ cần kiểm tra tín dụng một lần cho cả hai dịch vụ.
Nếu một nhà sản xuất SME lựa chọn huy động vốn lưu động thông qua một nền tảng tài trợ thương mại trực tuyến như Velotrade, thì họ có thể được tiếp cận cả Bảo hiểm Tín dụng Thương mại lẫn Tài trợ Thương mại dưới một sự bảo trợ duy nhất.
Các công ty cũng có thể tiếp cận một vài bên trung gian khác để tạo điều kiện cho các khía cạnh giao thương khác.
Tóm lại, Bảo hiểm Tín dụng Thương mại đóng một vai trò quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách tín dụng của những nhà sản xuất SME vốn dễ bị tổn thương bởi các hợp đồng Thanh toán ghi sổ với khách hàng nước ngoài quyền lực hơn.
Bảo hiểm Tín dụng Thương mại cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài trợ, đưa ra những điều khoản cho vay thuận lợi hơn và giúp duy trì một dòng tiền tích cực hơn với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong ngành tài chính, những người khuyến khích áp dụng các cách thức quản lý tài chính tốt nhất.
Thấy thông tin này hữu ích? Hãy theo dõi Velotrade trên mạng xã hội